Túi nilon dùng 1 lần – tiện dụng cao đi kèm ô nhiễm lớn
Những chiếc túi nilon với đặc tính khó phân hủy đang là mối đe dọa đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Việc gia tăng tình trạng sử dụng
đồ nhựa dùng một lần trong những năm qua đã khiến lượng rác thải
nhựa không được quản lý và thải ra môi trường ngày càng lớn. Ở trong môi trường
tự nhiên, nhựa cần vài trăm năm mới có thể phân hủy hết.
Thậm chí kể cả khi được thu gom, nhưng nhựa được chôn lấp không đúng cách hoặc đốt
ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc, trong đó có dioxin và furan là
những chất cực độc có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm
khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa, và đặc biệt là có nguy cơ gây
ung thư.
Tuy nhiên, với “ưu điểm” như tiện lợi, chi phí rẻ, lại có thể sử dụng một cách đa năng như đựng thức ăn, làm màng bọc thực phẩm, túi đựng vật dụng… hiện nay túi nilon và nhiều sản phẩm nhựa dùng 1 lần khác đang là vật dụng ưa thích của các bà nội trợ.

Khảo sát của phóng viên cho
thấy, hiện nay, tình trạng sử dụng túi nilon và các bao bì làm từ nhựa khác vẫn
còn phổ biến. Từ chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa cho tới các siêu thị, tất cả
các loại đồ ăn thức uống đều được gói bằng các túi nilon với đủ mọi kích thước.
Từ túi nilon 0,5 kg, 2kg cho tới 5kg và 10 kg, chỉ cần khách hàng có nhu cầu
thì người bán sẵn sàng cung cấp.
Tại một số chợ ở nội thành Hà Nội như chợ Cầu Giấy
(quận Cầu Giấy), Chợ Hôm, chợ Nghĩa Tân, chợ Thái Hà… túi nilon vẫn là sản phẩm
chính để đựng hàng hóa. Đặc biệt, 100% chủ quầy hàng bán rau củ quả, thực phẩm
tươi sống… vẫn dùng túi nilon để đựng hàng hóa.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, bán rau ở chợ Kim Liên cho
biết, hiện mỗi ngày chị dùng hết 500-800 túi nilon khó phân hủy (trung bình khoảng
200-320 túi nhỏ).
“Dù tôi thấy là dùng quá nhiều túi nhưng đó là do
yêu cầu của khách, 2 quả chanh cũng một cái túi” – chị Hà nói một cách bất đắc
dĩ. Chị cũng không muốn làm mất lòng khách.
Theo chị Hà, túi nilon được người bán hàng sử dụng
phổ biến vì tính tiện lợi, gọn nhẹ, treo vào xe hoặc cầm tay rất thuận tiện.
Cũng giống như chị Hà, dù muốn
giảm thiểu túi nilon để không làm ảnh hưởng tới môi trường nhưng chị Phạm Thị
Trang, một tiểu thương bán hoa quả ở chợ Nghĩa Tân, cũng phải chiều lòng khách
hàng vì nếu không có túi nilon cho khách đựng thực phẩm thì sẽ mất khách.
Chị Trang chia sẻ: “Mình bán hàng hàng thì mình phải
đưa túi nilon cho khách, không có túi thì khách sẽ không mua chứ nếu người mua
chịu sử dụng các loại túi thay thế như làn, giỏ hoặc đem túi đi tái sử dụng thì
tốt quá vừa giảm ô nhiễm môi trường mà tôi cũng giảm chi phí”.
Dù biết những tác hại của túi nilon tới môi trường,
thế nhưng người mua hàng vẫn không thể không dùng vì tính tiện dụng mà túi
nilon đem lại.
“Mỗi lần đi chợ tôi phải sử dụng ít nhất từ 4-5
túi nilon, loại đựng rau, trái cây thì có thể sử dụng lại nhưng đựng thịt, cá
thì phải vứt đi. Nhìn lượng rác thải túi nilon mỗi ngày tôi cũng thấy quá nhiều
nhưng nếu sử dụng làn đi chợ thì rất bất tiện”, chị Nguyễn Thị Trang nói.
Nhựa có thực sự
phân hủy như kỳ vọng?
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì
mỗi năm, người Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong
đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Đáng chú ý, chỉ có 17% trong số đó được tái sử
dụng. Túi nilon chiếm ⅓ số lượng rác thải nhựa tại Việt Nam và Việt Nam đang
thuộc nhóm các quốc gia thải ra nhiều rác thải nhựa đại dương nhiều nhất châu Á.
Nếu cứ tiếp tục tiêu thụ sản phẩm túi nilon và nhựa
dùng một lần như hiện nay thì con người sẽ đối diện với thảm họa “trắng”
là ô nhiễm nhựa. Nhiều người gọi rác thải nhựa là tội phạm môi trường.
Trước thực trạng đó, loại túi nilon phân hủy sinh
học xuất hiện gần đây thường được ca ngợi như “ngôi sao sáng” trong
giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Tuy nhiên, bản thân loại túi này có thật sự
thân thiện với môi trường hay không thì vẫn còn đang gây tranh cãi.
“Tôi đã đi các siêu thị, xem thành phần in
trên các loại sản phẩm túi tự phân hủy sinh học. Thực ra nhựa chiếm 45-55%, số
còn lại là tinh bột và một số chất khác. Điều đó cho thấy nhựa vẫn là thành phần
chính” – Thạc sĩ Lê Năng Hùng – Hội Bảo vệ Thiên nhiên – Môi trường TP.
HCM lý giải.
Việc sử dụng tinh bột và các phụ chất sẽ góp phần
đẩy nhanh quá trình phân hủy túi nilon. Không. Phải gọi là “phân rã”
mới chính xác. Nilon nói riêng, nhựa nói chung vẫn không thể phân hủy hoàn toàn
trong thời gian vài tháng, vài năm như kỳ vọng.
Việc phân rã nhựa thành những
mảnh nhỏ, thậm chí rất nhỏ thành những hạt vi nhựa còn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Vi nhựa rất khó kiểm soát trong đất, nước, không khí” – ông Hùng nhấn mạnh.
Dưới tác động bức xạ UV của mặt trời, gió, nước, đất,
độ ẩm không khí… những chiếc túi này mủn ra và tự vùi xuống ngay chân nó. Túi
nhựa “tự hủy” đó tan rã kết cấu ra thành những vi hạt nhựa xâm nhập vào đất, nước
rồi đi vào chuỗi thức ăn làm khả năng nhiễm độc cơ thể của “động vật” đứng cuối
chuỗi thức ăn là con người càng kinh khủng hơn.
Theo trực quan ta thấy những loại túi “tự phân hủy”
dường như không gây ô nhiễm nhưng chính ra nó có rủi ro gây nguy hại hơn cái ô
nhiễm mà người ta có thể thấy được để xử lý. “Sản phẩm nhựa thân thiện môi
trường nửa vời này làm ta khó kiểm soát hơn cái ô nhiễm thực sự cho môi sinh và
sức khỏe con người” – ông Nguyễn Như Khuê – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ
Hóa nhựa Bông Sen nhận định.
Cần có giải
pháp từ gốc
Thực tế, đã có nhiều chương trình được tổ chức nhằm
hạn chế sử dụng túi nilon để kêu gọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
sống, bảo vệ sức khỏe.
Thế nhưng, nếu người bán hàng và người tiêu dùng vẫn
giữ thói quen sử dụng túi nilon vì tính tiện dụng thì mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm
môi trường vẫn còn gặp nhiều thử thách. Điều quan trọng nhất để tạo nên một môi
trường bền vững chính là sự thay đổi từ ý thức tiêu dùng của cả người bán và
người mua.
Để có thể hạn chế và xa hơn là cấm sử dụng túi
nilon (loại mỏng dùng một lần), trước hết phải xác định loại hình túi đựng hàng
có thể thay thế túi nilon ít gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trên cơ sở đó,
cơ quan quản lý sẽ đưa ra chính sách nhằm định hướng người bán lẻ cũng như người
tiêu dùng chuyển từ sử dụng túi nilon sang loại túi đựng từ vật liệu thân thiện
với môi trường hơn một cách tự nguyện hay bắt buộc.
Dựa vào kinh nghiệm của một số nước trên thế giới
cũng như trên thực tế có thể sử dụng một số loại túi đựng hàng thay thế túi
nilon hiện đang có trên thị trường như: túi vải sử dụng nhiều lần, túi dệt từ sợi
nilon sử dụng nhiều lần…
Chương trình quản lý chất thải rắn theo mô hình 3T
“Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế” cũng đã được thực hiện ở một số nơi như ở
Hà Nội, TP.HCM, mục tiêu chung của chương trình không chỉ nhằm giảm sử dụng túi
nilon mà còn tăng cường tái sử dụng và tái chế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng
1 lần.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền những năm qua được coi là mũi nhọn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bởi vậy, các cơ quan chức năng, các hiệp hội cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, bên cạnh việc tuyên truyền về tác hại của túi nilon trên báo đài hàng ngày, cần kết hợp lồng ghép vào trong các bài giảng cho học sinh, sinh viên; tổ chức các buổi thực tế tìm hiểu về tác hại của bao túi nilon tới môi trường sống; vận động cộng đồng, nhất là tại các chợ dân sinh kêu gọi người dân hạn chế sử dụng túi nilon, cân nhắc sử dụng đúng lúc, không lạm dụng túi nilon gây ảnh hưởng tới môi trường; vận động tiểu thương, hay khối ngành dịch vụ, nhà hàng, khách sạn,… hạn chế tối đa sử dụng nhựa một lần, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
(Theo moitruong.com.vn)